Đây là giống dưa của Công ty Hagihara Farm (Nhật Bản), được Tập đoàn Lộc Trời đưa về Việt Nam từ năm 2017. Ông Mai Tấn Hoàng, Phó Ban Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn Lộc Trời, cho hay ban đầu phía Nhật chỉ định canh tác dưa giống tại tỉnh Gia Lai nhưng việc trồng dưa giống tại đây thất bại, hạt thu về rất ít. Tập đoàn Lộc Trời đã tư vấn cho đối tác chuyển địa điểm về Tiền Giang và Hậu Giang, nơi có điều kiện tự nhiên thích hợp và nông dân ở đây có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng dưa hấu. Việc chuyển giao kỹ thuật trồng giống dưa hấu Nhật Bản cho nông dân được thực hiện trên quy mô nhỏ, mỗi hộ 1.000 m2.
Phía Nhật đã kiểm tra và xác nhận giống dưa hấu do nông dân Việt Nam trồng đạt độ thuần 99,97% và khâu xử lý giống sau thu hoạch đạt yêu cầu, không nhiễm vi sinh, vậy nên đã đề nghị Tập đoàn Lộc Trời làm thủ tục xuất khẩu chính ngạch sang Nhật để thuận tiện cho đối tác trong việc sử dụng hạt giống. Lô dưa hấu giống đầu tiên xuất khẩu thành công sang Nhật có khối lượng 8,1 kg.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời không tiết lộ giá trị lô hàng nhưng là sự kiện đánh dấu thành công của việc hợp tác với đối tác Nhật. Được biết, trước khi hợp tác với Việt Nam, phía Nhật đã tìm đối tác trồng tại Thái Lan nhưng không thành công. "Hiện có đến 80%-90% giống dưa hấu trên thị trường Việt Nam là nhập khẩu nên việc nông dân trong nước trồng được dưa hấu giống chất lượng cao theo tiêu chuẩn Nhật có thể mở ra tương lai Việt Nam chủ động được khâu sản xuất giống với giá thành rẻ và nguồn cung ổn định cho sản xuất dưa hấu thương phẩm trong nước" - ông Hoàng phân tích.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, đánh giá kinh nghiệm, tay nghề và sự khéo léo của người nông dân đã góp phần giúp sản xuất thành công lô hạt giống đầu tiên xuất khẩu sang Nhật. "Đây là giống dưa hấu không hạt, ngon, màu sắc đẹp, dễ bảo quản, có thể phát triển trồng trong nước để phục vụ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu sang Nhật và các nước khác thông qua Công ty Hagihara Farm" - ông Thòn tiết lộ.
Theo Người lao động