SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Ứng dụng công nghệ bảo quản và thay đổi tư duy thị trường có thể tăng tỷ đô cho xuất khẩu trái cây Việt Nam

Xuất khẩu trái cây là một trong những ngành xuất khẩu nông sản ấn tượng nhất của Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tiềm năng xuất khẩu rau quả vẫn còn rất lớn nếu các nhà sản xuất - xuất khẩu rau quả Việt Nam ứng dụng công nghệ bảo quản hiện đại và thay đổi tư duy tư duy thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu 1,83 tỷ USD mặt hàng rau quả, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm 2015. Thị trường Trung Quốc tiếp tục chiếm thị phần áp đảo, trên 70%, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam và được cho là sẽ tiếp tục duy trì vị thế này trong trung đến dài hạn. Hiện nay, 9 loại trái cây tươi từ Việt Nam được xuất khẩu qua các kênh chính ngạch sang Trung Quốc là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Bộ NNPTNT đang đề xuất Trung Quốc mở cửa thị trường cho các loại trái cây khác của Việt Nam như sầu riêng, chanh dây, bơ, nho, dừa, na và quả gioi.

Tuy nhiên, cùng với định hướng chính ngạch hóa các hoạt động nhập khẩu, chính phủ Trung Quốc cũng đang nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng, thắt chặt thực thi các quy định an toàn thực phẩm và kiểm soát biên mậu, các nhà sản xuất Việt Nam phải thay đổi tư duy về thị trường Trung Quốc và cải thiện sản xuất để đáp ứng các yêu cầu mới trên thị trường này, thay vì tư duy Trung Quốc là thị trường dễ tính như trước đây.  Từ ngày 1/5/2019, hải quan Trung Quốc yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có vi sinh vật gây hại để bọc trái, thay vì lót rơm như trước đây; đối với mít tươi phải dùng giấy dai Kraft hoặc bao bì là thùng giấy; chuối cũng phải được bọc bằng thùng giấy hoặc túi nhựa... và bao bì phải in thông tin truy xuất nguồn gốc.

Trên thị trường nhập khẩu trái cây Trung Quốc, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 về giá trị nhập khẩu trong năm 2018 nhưng dẫn đầu về khối lượng nhập khẩu, cho thấy giá xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc tập trung ở phân khúc trung bình thấp. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc với giá 0,4-0,6 NDT/kg (60-90 USD/tấn); trong khi đó, giá xuất khẩu cherries Chile sang Trung Quốc lên tới 6.679 USD/tấn, xuất khẩu sầu riêng Thái Lan đạt 2.558 USD/tấn, xuất khẩu chuối Philippines đạt 584 USD/tấn. Đáng chú ý, các loại trái cây có giá xuất khẩu cao đều yêu cầu các công nghệ bảo quản tiên tiến giúp kéo dài thời hạn sử dụng. Trong khi đó, với vị trí địa lý khá thuận lợi, nếu vận chuyển qua đường biên giới thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần 3-5 ngày để giao hàng cho đối tác Trung Quốc, nên các doanh nghiệp ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Ngược lại, với lợi thế địa lý tương đương, Thái Lan đã chủ động nghiên cứu công nghệ bảo quản nhằm kéo dài thời hạn sử dụng cho trái cây xuất khẩu, không những đối với trái cây nguyên quả mà còn đối với các sản phẩm trái cây cắt sẵn. Năm 2017, một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công kỹ thuật “Active Coating”, cho phép những người trồng sầu riêng thu hái trái ở thời điểm chín ngon nhất. Độ tươi ngon sau đó sẽ được bảo quản lên tới 2 tuần khi loại quả được yêu thích này được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Kỹ thuật này có tác dụng 100% trong ngăn ngừa vỏ sầu riêng bị nứt và làm lớp nhựa từ vỏ quả chảy ra, trong khi vẫn duy trì chất lượng của các múi sầu riêng. Điểm quan trọng làm áp dụng kỹ thuật này sẽ chỉ tiêu tốn của người trồng sầu riêng 2 – 3 Baht/quả. Gần đây, doanh nghiệp khởi nghiệp Thái Lan Eden Agritech đã chiến thắng giải khởi nghiệp tại Thaifex – World of Food Asia cho sản phẩm Naturen – một giải pháp kéo dài thời hạn sử dụng rau quả cắt sẵn lên tới 2 – 3 lần với thành phần chính có nguồn gốc thực vật, bao gồm cellulose, chitosan, và acid trái cây, có thể kéo dài thời hạn sử dụng của xoài cắt sẵn từ 5 lên 10 ngày. Giải pháp này cũng hiệu quả đối với 19 loại trái cây và rau, từ các loại trái cây nhiệt đới như sầu riêng và xoài cho tới cà chua và cà rốt.

Các công ty công nghệ thực phẩm trên thế giới cũng đang tích cực nghiên cứu và tung ra các giải pháp kéo dài thời hạn sử dụng thực phẩm, đặc biệt khi cuộc chiến chống lãng phí và an toàn thực phẩm đang ngày càng thu hút sự chú ý. Mới đây, nằm trong nhóm tiên phong công nghệ của Diễn đàn kinh tế thế giới và top 50 Genius Companies của tạp chí Time, Apeel cho biết công nghệ màng bọc mới của công ty là giải pháp duy nhất đang được thương mại hóa rộng rãi sở hữu cả 2 đặc điểm: có nguồn gốc thực vật và là một giải pháp kéo dài tuổi thọ rau quả hoạt động tốt. Apeel là một lớp màng bọc chiết xuất thực vật, áp dụng cho giai đoạn sau thu hoạch, tạo nên một lớp vỏ thứ 2, có thể ăn được, giúp tối thiểu hóa thất thoát nước và oxi hóa. Lớp màng này tạo nên một môi trường vi sinh tối ưu trên toàn bộ từng chút bề mặt sản phẩm, kéo dài từ thời điểm áp dụng cho tới khi tiêu dùng.

Tại Việt Nam, năm 2017, Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công màng bao gói biến đổi khí quyển (GreenMAP) giúp rau quả tươi lâu gấp 3 lần bình thường mà không bị tác động của hóa chất, đồng thời phù hợp cho mục đích chiếu xạ theo quy định của một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ… Hiện màng bao gói này đã được sử dụng ở vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); nho (Ninh Thuận) và một số đơn vị sản xuất rau mầm. Tuy nhiên, các công nghệ như vậy vẫn chưa được sử dụng phổ biến trong xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Các doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng các công nghệ bảo quản, kéo dài thời hạn sử dụng thực phẩm và thay đổi tư duy về thị trường sẽ có cơ hội lớn hơn nhiều trong xuất khẩu trái cây, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh người tiêu dùng và các chính phủ khắp nơi trên thế giới ngày càng đặt ra tiêu chuẩn cao hơn đối với an toàn thực phẩm, đồng thời giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm.