SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Nhiều cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm

Trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Đầu tư quốc gia năm 2018, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các đơn vị hữu quan tổ chức hội thảo “Xúc tiến Đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm”. Hội thảo là một trong chuỗi các sự kiện quan trọng của Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam - Vietnam Foodexpo 2018.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được chính phủ Việt Nam lựa chọn ưu tiên phát triển trong giai đoạn đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035. Theo đó, Chính phủ Việt Nam định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến từ đó xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất trong nước.

Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam có sự tăng trưởng đều đặn với mức tăng trung bình từ năm 2013 - 2017 đạt 6,82%/ năm đối với thực phẩm chế biến và 9,76% năm đối với đồ uống. Riêng 10 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp thực phẩm chế biến và đồ uống tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, thị trường thực phẩm, đồ uống Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng và sự tăng trưởng liên tục trong thời gian qua đã cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp tận dụng. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã khẳng định, thách thức về công nghệ, thực hành chuỗi gia tăng giá trị và an toàn thực phẩm trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Phân tích về cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam, ông Lee Hyuk - Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, đồng thời là Cựu đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang có chiến lược thu hút FDI cạnh tranh hơn, bền vững hơn khi không còn quá tập trung vào lợi thế nhân công giá rẻ cùng các ưu đãi khác về thuế như trước đây. Thay vào đó, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực cải cách các quy định pháp lý về đầu tư kinh doanh, xúc tiến đào tạo lao động lành nghề, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện và đáng tin cậy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) để cải thiện chất lượng sản phẩm. Đây chính là “lực hấp dẫn” với những nhà đầu tư xem trọng đổi mới sáng tạo. Đó cũng chính là lý do hiện có tới 4.200 doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam. “Tôi tin Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài”, ông Lee Hyuk nhận định.

Ông Lee Hyuk - Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, Cựu đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, phân tích về các cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (Worldbank), Việt Nam có 10% dân số ở tầng lớp trung lưu và sẽ gia tăng mạnh nên tiêu dùng về lương thực thực phẩm an toàn sẽ lớn. Về vốn FDI, hiện Việt Nam thu hút trên 22.000 dự án với tổng vốn đăng ký trên 336 tỷ USD, đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Tuy nhiên đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm lại chưa nhiều, chỉ có 770 dự án với 11,2 tỷ USD (chưa tính M&A và mua cổ phần). Ở góc độ chính sách, ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích: “Việt Nam đang có rất nhiều chính sách ưu đãi vào lĩnh vực này. Hiện phần lớn các dự án đầu tư vào chế biến nông nghiệp đều nằm trong khu vực được hưởng ưu đãi cao nhất như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ từ 10-15% (bình thường là 20%); ưu đãi tiền thuê đất... Thủ tục cấp phép đầu tư được thực hiện chỉ trong vòng 15 ngày và ngày càng đơn giản hóa. Hiện Việt Nam đang thực hiện đề án thí điểm Chính phủ làm thủ tục cấp phép đầu tư trực tuyến”.

Quang cảnh hội thảo

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam cho rằng: “Sau khi FTA Việt Nam-EU được triển khai, sẽ có nhiều doanh nghiệp từ EU tới Việt Nam để đầu tư. Cùng với đó, “dòng” công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất cũng như máy móc thiết bị hiện đại cho ngành nông nghiệp - chế biến thực phẩm sẽ “chảy” vào Việt Nam”.