Theo ông Lê Văn Liền, chuyên gia nông nghiệp phụ trách kỹ thuật của PAN-Saladbowl cho biết, công ty đang thực hiện dự án trồng hoa cúc xuất khẩu sang Nhật Bản 100% tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Ông Lê Văn Liền - chuyên gia nông nghiệp phụ trách kỹ thuật của PAN-Saladbowl đang giới thiệu về các loại hoa tại Vietnam Foodexpo 2017
Đầu tư trồng hoa công nghệ cao
Diện tích nông trại khoảng 6ha, trong đó 1ha dùng để sản xuất giống và 5ha còn lại để sản xuất hoa cúc xuất khẩu. Với việc đầu tư công nghệ nhà kính từ 8 tỷ đến 10 tỷ/ha, việc trồng hoa đã thoát khỏi những rủi ro về mặt thời tiết. Không những vậy, với lực lượng hơn 100 cán bộ, công nhân tay nghề cao hiện được tập trung cho dự án cũng hứa hẹn nhiều thành công cho PAN-Saladbowl. Đặc biệt, trong số lực lượng lao động này có cả các nghệ nhân, kỹ sư lâu năm trong nghề trồng hoa từ Nhật Bản sang làm việc. Chính vì vậy những bông cúc đã mang môt phần “tâm hồn Nhật” ngay từ nơi sản xuất
Đông đảo khán giả quan tâm đã đăng ký từ trước để nhận giấy mời tham gia talkshow về Hoa xuất Nhật của PAN
Hoa cúc, hoa hồng xuất khẩu với kích cỡ to, màu sắc độc đáo được cắm ngay tại Vietnam Foodexpo 2017
Xuất khẩu hoa đạt chỉ tiêu “trăm cành như một”
Hiện nay PAN-Saladbowl đang sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng, các tiêu chuẩn mà khách hàng yêu cầu khá đa dạng, chính vì vậy công ty thường lên kế hoạch sản xuất, thu hoạch, thương mại ... trước 1 năm. Trong năm 2017, công ty đã xuất khẩu trên 1 triệu cành hoa sang Nhật Bản và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm của công ty. Ước tính khoảng 8,5 triệu cành hoa sẽ đươc xuất tiếp vào năm 2018, với con số này, PAN-Saladbowl sẽ đưa Việt Nam tiến lên vị trí thứ 3 trong các nước xuất khẩu hoa sang Nhật Bản.
Ông Liền trả lời câu hỏi của các khán giả về hoa hồng, hoa cúc xuất khẩu
Ông Nunome Takahiro, Giám đốc kỹ thuật của PAN-Saladbowl chia sẻ: “Tuy hoa cúc là quốc hoa của Nhật Bản nhưng điều kiện khí hậu và chi phí nhân công cao khiến việc trồng hoa cúc ở Nhật không phát triển mạnh. Ngược lại, Việt Nam lại đang có những lợi thế này cùng với lợi thế về khoảng cách đã giúp hoa cúc Việt Nam dễ dàng đến Nhật hơn”.
Tuy vậy, Nhật Bản cũng nổi tiếng là thị trường yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật, chính vì vậy trước khi sang Việt Nam đảm nhận công việc này, ông Nunome Takahiro khá phân vân liệu Việt Nam có đủ điều kiện để xuất khẩu số lượng lớn hoa sang Nhật với yêu cầu về kỹ thuật khắt khe “trăm cành như một” không...
Hướng dẫn cắm hoa theo phong cách Nhật Bản ở khu vực gian hàng PAN tại Vietnam Foodexpo 2017
“Cho đến nay tôi khá tin tưởng vào tương lai phát triển của xuất khẩu hoa của Việt Nam vì điều kiện thời tiết và kỹ thuât khá đảm bảo. Nếu đội ngũ sản xuất hoa được thường xuyên đào tạo bài bản thì một tương lai không xa, tiềm năng xuất khẩu hoa của các bạn sẽ được khai thác rất hiệu quả”, ông Nunome Takahiro nhận định.
Tại Việt Nam mỗi năm sản xuất khoảng 1 tỷ cành hoa cúc và 90% tiêu thụ nội địa nên Việt Nam dùng hoa cúc cũng không thua bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Có thể nói, dư địa phát triển hoa cúc cả nội địa và xuất khẩu đều còn đang rất rộng mở. Tuy vậy, tại PAN-Saladbowl, không chỉ hoa cúc mà tương lai nhiều loại hoa khác đang được nghiên cứu phát triển. Nối tiếp sự thành công của hoa cúc, hiện công ty đã bắt đầu xuất khẩu hoa cẩm chướng sang Nhật Bản. Hiện nay dự án trồng hoa cẩm chướng tại Đà Lạt đã phát triển 2ha, chủ yếu là trồng thử nghiệm các giống mới để chuẩn bị cho qui mô lớn sau này.
Một số khán giả tham gia Vietnam Foodexpo 2017 rất hào hứng khi được cắm hoa và chụp sản phẩm tại chỗ để khoe với bạn bè
Các giống hoa cúc và hoa cẩm chướng tại PAN-Saladbowl đều được mua bản quyền từ các nhà sản xuất giống nổi tiếng trên thế giới như (Fides, Deliflor, Dekker) nên hoa đa dạng về chủng loại và luôn đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.
Không chỉ là hình ảnh văn hóa nối liền Việt – Nhật, những bông hoa của PAN-Saladbowl đang được vun tưới với chân lý: “Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ gió chong chóng sẽ quay, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”.