SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Thương mại gạo thế giới năm 2021: Ấn Độ làm chủ thị trường với 1/2 tổng xuất khẩu gạo toàn cầu

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm nay có thể tăng 50% lên 22 triệu tấn, so với 14,7 triệu tấn năm trước. Việc mở lại cảng nước sâu đã giúp Ấn Độ giải quyết vấn đề tắc nghẽn hậu cần, từ đó xuất khẩu gạo thuận lợi hơn. Mặt khác, nguồn cung dồi dào vào đúng những thời điểm nhiều đối thủ khác trong khu vực hạn chế xuất khẩu cũng giúp Ấn Độ lập nên kỳ tích này.

Ấn Độ có thể chiếm tới 45% tổng xuất khẩu gạo toàn cầu trong năm 2021 do năng lực bốc xếp tại cảng biển được mở rộng, cho phép nước sản xuất lúa lớn thứ 2 thế giới này (sau Trung Quốc) có thể vận chuyển khối lượng gạo cao kỷ lục tới những khách hàng trên khắp Châu Phi và Châu Á.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo xuất khẩu gạo toàn cầu niên vụ 2021/22 sẽ đạt 48,5 triệu tấn.

Nitin Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của Olam Ấn Độ, cho biết nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này có thể xuất khẩu tới 22 triệu tấn gạo trong năm nay, tương đương bằng hoặc nhiều hơn tổng khối lượng xuất khẩu của cả 3 nước xuất khẩu lớn tiếp theo (Thái Lan, Việt Nam và Pakistan) cộng lại.

Reuters dẫn lời ông Gupta cho biết: "Cùng với những khách hàng truyền thống, năm nay Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh cũng mua gạo Ấn Độ".

Theo USDA, trong bối cảnh Ấn Độ tăng cường xuất khẩu gạo lên mức cao kỷ lục thì năm nay bất ngờ danh sách các khách hàng được bổ sung Việt Nam, mặc dù loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm, dùng trong sản xuất công nghiệp hoặc thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Thương mại gạo thế giới năm 2021: Ấn Độ làm chủ thế trận với 1/2 tổng xuất khẩu gạo toàn cầu - Ảnh 1.
Khối lượng và giá gạo Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam (Nguồn: USDA, báo cáo tháng 8/2021)

Cũng theo USDA, Việt Nam thường nhập khẩu một khối lượng gạo từ nước láng giềng Campuchia. Những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu không quá 5.000 tấn gạo Ấn Độ mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm 2020, Ấn Độ bắt đầu tăng khối lượng gạo xuất khẩu sang Việt Nam lên gần 50.000 tấn, và từ đầu năm 2021 đến nay đạt gần 700.000 tấn. Giá gạo Ấn Độ rẻ trong những tháng đầu năm là lý do chính của hiện tượng này.

Xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2020 đã tăng 49% so với năm trước lên mức kỷ lục 14,7 triệu tấn, trong đó xuất khẩu gạo non-basmati tăng vọt 77% lên mức kỷ lục 9,7 triệu tấn.

Thương mại gạo thế giới năm 2021: Ấn Độ làm chủ thế trận với 1/2 tổng xuất khẩu gạo toàn cầu - Ảnh 2.
Dự báo Ấn Độ sẽ chiếm đa số trong tổng thương mại gạo toàn cầu năm 2021

Trong năm 2021, xuất khẩu gạo non-basmati vẫn tiếp tục tăng mạnh. Ông Gupta dự báo xuất khẩu gạo non-basmati năm nay có thể tăng gần gấp đôi so với năm trước lên 18 triệu tấn, trong khi xuất khẩu gạo basmati cao cấp vẫn ổn định ở mức 4 triệu tấn.

Sở dĩ xuất khẩu gạo nước này tăng mạnh là nhờ giá kể từ tháng 3/2020 luôn rẻ hơn so với gạo cùng loại của các đối thủ khác, như Thái Lan hay Việt Nam, với nguồn cung trong nước dồi dào, trong khi nhu cầu gạo trên toàn cầu tăng cao kỷ lục.

Thương mại gạo thế giới năm 2021: Ấn Độ làm chủ thế trận với 1/2 tổng xuất khẩu gạo toàn cầu - Ảnh 3.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ kể từ đầu năm 2020 luôn thấp hơn so với gạo các nước Đông Nam Á

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở Kakinada Anchorage - cảng xuất khẩu gạo chính của Ấn Độ bị hạn chế đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn vận chuyển gạo dai dẳng và sự chậm trễ kéo dài trong năm vừa qua, khiến một số khách hàng phải tìm tới những nhà cung cấp khác.

Nhà xuất khẩu Brahmananda Gudimetla cho biết Ấn Độ đã phải hạ giá bán gạo xuống thấp hơn 100 USD/tấn so với các nước xuất khẩu khác, vẫn không hấp dẫn được khách hàng bởi giá gạo rẻ hơn nhưng chi phí vận chuyển lại cao hơn vì sự chậm trễ giáo hàng.

Để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn đó, bang Andhra Pradesh, miền nam nước này, vào tháng 2/2021 đã cho phép sử dụng một cảng nước sâu liền kề tại Kakinada để xuất khẩu gạo.

Ông B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết: "Thời gian chờ đợi của tàu thuyền đã giảm xuống sau khi cảng nước sâu bắt đầu tiếp nhận gạo xuất khẩu. Dường như kể từ đó khách hàng của những nước khác lại chuyển sang mua gạo của chúng tôi".

Ấn Độ đã xuất khẩu 12,84 triệu tấn gạo trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu sơ bộ của Bộ Thương mại nước này.

M Muralidhar, Giám đốc điều hành của Kakinada Seaports Ltd., cho biết ít nhất một triệu tấn gạo sẽ được vận chuyển từ cảng nước sâu trong năm 2021.

Tuy nhiên, mặc dù công suất cảng được mở rộng, tỷ lệ bốc xếp/bốc dỡ ở cảng Kakinada vẫn thua các cảng Đông Nam Á do thiếu cơ sở hạ tầng chuyên dụng để xử lý gạo.

Fahim Shamsi, thuyền trưởng của một tàu chở gạo mới đây cho biết: "Ở Kakinada, mất gần một tháng để xếp khoảng 33.000 tấn gạo kể từ khi chúng tôi thả neo. Trong khi đó, ở Thái Lan, chỉ mất 11 ngày cho khối lượng tương tự".

Tình trạng căng thẳng tại cảng Kakinda đã gia tăng sau khi chi phí vận chuyển gạo bằng container tăng cao, buộc các chủ hàng gạo phải chuyển từ container sang tàu chở hàng rời. Theo ông Raao, Kakinada có thể tiếp nhận thêm 2 triệu tấn gạo xuất khẩu nếu cơ sở hạ tầng được nâng cấp và quy trình bốc xếp được cơ giới hóa.

Xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ chủ yếu đến các nước châu Phi và châu Á, trong khi gạo basmati cao cấp đến Trung Đông, Mỹ và Anh.

Về vấn đề Việt Nam có tiếp tục nhập khẩu gạo Ấn Độ trong năm 2022 hay không? Theo USDA, việc Việt Nam nhập khẩu gạo Ấn Độ là một điều bất thường, và câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi trên là RẤT CÓ THỂ LÀ KHÔNG, hoặc ít nhất cũng không cao như thời gian qua.

Với việc Việt Nam đã thu hoạch lúa vụ Thu, giá gạo trong nước ở Việt Nam đã giảm xuống về bằng mức giá gạo Ấn Độ. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, việc nhập khẩu gạo từ Campuchia sẽ được nối lại, nên việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ sẽ ít có khả năng tiếp tục duy trì.

Tham khảo: Refinitiv, USDA
​​​​​​​Theo Nhịp sống kinh tế