SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Triển vọng ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam năm 2019

Việt Nam là một trong những nước tiêu dùng thịt lợn lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Ngành chăn nuôi lợn đã phát triển nhanh từ thập niên 1990s và là động lực chính của ngành TACN nội địa. Sau cuộc khủng hoảng giá năm 2017, chỉ những nhà sản xuất lớn, khép kín quy trình mới có thể tồn tại bởi họ có thể duy trì sản xuất với biên lợi nhuận rất nhỏ. Hiện ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đang đối mặt với rủi ro dịch tả lợn (ASF), có thể gây ra gián đoạn sản xuất chăn nuôi lợn và thị trường TACN trong những năm tới.

Tuy nhiên, bất chấp các vấn đề trong ngành chăn nuôi, ngành TACN Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm 2019, chủ yếu do tăng trưởng cao hơn trong ngành thức ăn thủy sản và gà thịt. USDA Post dự báo ngành TACN Việt Nam đi ngang trong năm 2020.

Dưới đây là một số nhận định lớn về ngành TACN Việt Nam:

Phía cầu

Năm 2019, USDA Post ước tính tổng nhu cầu TACN sẽ tăng nhẹ, từ 30 lên 30,5 triệu tấn, và mức cầu này sẽ đi ngang trong năm 2020. Trong khi nhu cầu TACN giảm nhẹ, sản xuất thức ăn thủy sản có thể sẽ bù đắp phần lớn thâm hụt trong tổng sản lượng, khi tăng từ 6,2 triệu tấn năm 2018 lên 6,8 triệu tấn trong năm 2019 và 7 triệu tấn trong năm 2020. Trong ngành TACN, sự suy giảm thật sự diễn ra ở phân khúc thức ăn tự phối trộn bởi dịch tả lợn chủ yếu ảnh hưởng tới các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Thức ăn chăn nuôi công nghiệp vẫn tăng, chủ yếu cho ngành chăn nuôi gia cầm. Sản xuất thức ăn thủy sản tự chế cũng được dự báo giảm, do các nhà sản xuất TACN lớn thay đổi trọng tâm khỏi ngành chăn nuôi lợn hiện không có tiềm năng tăng trưởng, sang ngành thủy sản.

Phía cung

Nhập khẩu ngô và DDGS có thể tăng trong năm 2019. Nhìn chung nhập khẩu lúa mỳ làm TACN trong năm 2019 sẽ giảm so với năm 2018 do giá không cạnh tranh và các yếu tố liên quan tới các hoạt động kiểm dịch sau khi phát hiện ra Cirsium gần đây. Các nguồn cung gạo tấm và sắn nội địa dùng làm TACN cũng được dự báo giảm.

Giá thịt lợn và các loại thịt gia cầm có tác động lớn tới sản xuất TACN nội địa của Việt Nam do thịt lợn chiếm 75% và thịt gà chiếm 10% tổng tiêu dùng thịt trên toàn quốc. Tháng 2/2018, giá thịt lợn tụt xuống dưới mức 35.000 VNĐ/kg và theo nông dân, chi phí sản xuất dao động từ 35.000 – 40.000 VNĐ/kg. Tuy nhiên, giá đã tăng ổn định cho tới tháng 12/2018, sau đó giảm do nguồn cung tăng trước dịp Tết Nguyên đán. Giá thịt gia cầm cũng có diễn biến tương tự trong năm 2018.

Nguồn: USDA