SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Tìm cách mở rộng thị trường cho hàng rau quả tươi của Việt Nam

EU được xem là thị trường tiềm năng cho hàng rau quả tươi của Việt Nam. Để duy trì và mở rộng xuất khẩu sang EU, rau quả tươi của Việt Nam phải đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm (ATTP) của thị trường khó tính này.

Đây là nội dung chính được đưa ra tại Hội thảo "Duy trì và mở rộng thị trường rau quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vào EU" do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) vừa tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ông Rugguero Malosssi, chuyên gia quốc tế của Dự án EU-MUTRAP cho biết, EU rất chú trọng tới chất lượng sản phẩm và vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chẳng hạn, một loại thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng thì không sản phẩm nào có dư lượng thuốc đó.

Cũng theo ông Rugguero Malosssi, để bảo đảm ATTP và tránh thiệt hại về môi trường, EU hạn chế sử dụng một số hóa chất, do đó sản phẩm nhập khẩu phải chịu sự kiểm soát chính thức. Cụ thể, EU thiết lập giới hạn đối với một số chất lây nhiễm. Đặc biệt, giới hạn nitrat trong rau dền, rau diếp và các kim loại liên quan đến rau quả tươi. Hiện nay, rau quả đang được EU kiểm tra về giấy tờ, danh tính hàng hóa, kiểm tra thực tế hàng hóa.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, do ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên nên để duy trì và mở rộng xuất khẩu sang thị trường này, các sản phẩm rau quả xuất khẩu cần hướng tới sản phẩm hữu cơ.

Trước những yêu cầu khắt khe trên của thị trường EU, ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đối với nhóm gia vị, doanh nghiệp cần duy trì giải pháp quản lý mã số nhà lưới và nhà đóng gói như hiện nay, cải tiến theo quy trình nhà lưới và quy trình canh tác trong nhà lưới đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao hơn. Ngoài vấn đề ATTP, kiểm dịch, các sản phẩm phải đạt chuẩn HACCP hay GlobalGAP.

Ảnh: Internet

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, hiện nay, GlobalGap trở thành tiêu chuẩn tối thiểu cho các siêu thị ở EU. Đây là tiêu chuẩn bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất, chưa tính chế biến và đóng gói.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản nói chung và rau quả tươi nói riêng, ông Đàm Quốc Trụ, chuyên gia tư vấn trong nước, Dự án EU-MUTRAP cho rằng, Nhà nước nên có chính sách đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật, công nghệ sau bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Ngoài ra, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả tươi Việt Nam sang EU cũng như ra các thị trường khác trên thế giới, Nhà nước nên bố trí kinh phí, đầu tư nguồn lực giúp cho việc đàm phán với các nước thống nhất về biện pháp kiểm dịch cho đồng nhất.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 2,64 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu rau quả của cả nước vẫn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.