Theo thống kê của Cục Chất lượng và Nông Lâm Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trên cả nước có 621 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch; Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế cũng cho biết có 2.465 cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận có 1.585 cơ sở đạt GAP; một trang web của một tổ chức cũng đã chứng nhận đã cấp 3.500 chứng chỉ VietGap.
Với số liệu của các cơ quan quản lí nhà nước như trên, số lượng các nhà sản xuất thực phẩm sạch trên cả nước là khá nhiều, cùng với đó theo quy định của pháp luật, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nếu muốn hoạt động đều phải được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy vì sao thực phẩm vẫn không an toàn?
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, bà Nguyễn Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, việc kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay mới chỉ theo chiến dịch và áp dụng với từng lô hàng, không bắt buộc kiểm soát theo quá trình (HACCP, GAP) và báo cáo thường xuyên với cơ quan thẩm quyền. Bên cạnh đó cũng không có kiểm soát hiệu quả tại các điểm đầu tiên của chuỗi thực phẩm như biên giới, các chợ đầu mối, các cảng bao gồm cảng cá, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, hóa chất thức ăn, phân bón. Thực phẩm của không bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc và có quá nhiều cơ quan chịu trách nhiệm về VSATTP.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Nguyên thứ trưởng Bộ THủy Sản, chủ tịch danh dự Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VASEP
Ngoài ra, mặc dù có nhà sản xuất thực phẩm sạch nhưng do không sản xuất theo chuỗi nên một bộ phận trong chuỗi cung ứng thực phẩm đang bị lôi kéo vào vòng xoáy thực phẩm bẩn vì lợi nhuận; Người tiêu dùng vẫn có thói quan tiêu dùng theo cảm tính, chạy theo truyền thông trong khi một bộ phận truyền thông còn thiếu trách nhiệm và kiến thức về an toàn thực phẩm; doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, không có kĩ năng, nguồn lực làm truyền thông, marketing, không đủ nguồn lực để lội ngược vòng xoáy thực phẩm bẩn...
Có thể thấy rằng an toàn thực phẩm đang trở thành điểm quyết định sự thành bại cho ngành thực phẩm tại Việt Nam trong quá trình mở cửa cạnh tranh với các đối thủ nặng ký trên sàn quốc tế.
Bà Võ Ngân Giang, Phụ trách chương trình sản phẩm nông nghiệp an toàn của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, thời gian qua cơ hội thâm nhập của nông sản Việt Nam tới thị trường nước ngoài đã bị ảnh hưởng do một số sản phẩm không đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Ví dụ, năm 2015, một số sản phẩm thủy sản bị trả về do vượt quá dư lượng kháng sinh và gần đây là gạo.
Bà Võ Ngân Giang phụ trách Chương trình FAO-ECTAD Food Safety, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam
Vị này cho rằng, phát triển năng lực sản xuất ở khu vực nông thôn là vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng nông sản, và trong 10 năm qua FAO đã có nhiều dự án hỗ trợ vấn đề ATVSTP của Việt Nam. “Các nhóm đối tác tư nhân như các hợp tác xã, các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối và hỗ trợ nông dân tham gia vào các chương trình sản xuất thực phẩm sạch. Bên cạnh đó để có sản phẩm an toàn phải chú ý đến việc kiểm soát chất lượng từ các mắt xích khác nhau trong chuỗi cung ứng và đặc biệt là chú ý đến việc truy xuất nguồn gốc để gắn trách nhiệm đảm bảo an toàn cho sản phẩm cuối cùng”, bà Võ Ngân Giang nêu ý kiến.
Là nước có nền sản xuất thực phẩm an toàn trên thế giới, TS. Giuseppe Ruocco, Vụ trưởng Vụ Vệ sinh, an toàn và dinh dưỡng thực phẩm, Bộ Y tế Italia cho hay, từ năm 2002, Liên minh châu Âu đã áp dụng một loạt những quy định mới, được gọi là “Gói an toàn thực phẩm”. Gói này bao gồm một số quy định cho các nước thành viên EU những tiêu chuẩn chung về vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm và kiểm soát trên toàn bộ EU. Ngoài quy định chung thì tùy vào lĩnh vực mà còn có những quy định riêng khác, phù hợp từng loại thực phẩm và đặc thù của nước thành viên.
Theo bà Nguyễn Hồng Minh, vấn đề cải thiện VSATTP và nâng cao uy tín cho ngành thực phẩm có nhiều bên liên quan, tuy nhiên quan trọng nhất là cơ quan quản lý nhà nước và nhà sản xuất. Theo đó, về phía cơ quan quản lí nhà nước phải có sự điều chỉnh về cách tiếp cận, thay vì chỉ kiểm tra sản phẩm cuối cùng, kiểm soát theo chiến dịch phải thực hiện kiểm soát theo hệ thống. Bên cạnh đó, Nhà nước không nên “ôm” hết như hiện nay mà phải quan tâm đến việc phát triển các tổ chức độc lập được xây dựng từ sự kết nối của các nhà sản xuất đơn lẻ để hình thành nên các hội. Các hội này sẽ xây dựng các tiêu chuẩn chuẩn mực riêng cho từng ngành hàng và kiểm soát các chuẩn mực đó.
Cùng với đó Nhà nước phải có công bố về thời hạn bắt buộc các nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Hiện nay maketting, xây dựng nhãn hiệu và truyền thông, cạnh tranh trên thị trường đang là khó khăn lớn với các doanh nghiệp thực phẩm do vậy chức năng của Chính phủ không chỉ là kiểm soát mà còn là hỗ trợ các bên liên quan trong chuỗi cung ứng thực phẩm sạch...