SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Pháp được mời là Quốc gia danh dự tại Vietnam Foodexpo 2017

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp François Hollande đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 05 - 07/9/2016.

Trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước khẳng định hợp tác kinh tế tiếp tục là một trụ cột ưu tiên trong quan hệ song phương. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế trong thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Pháp.

Nhân dịp này, Việt Nam mời Pháp tham gia Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2017 (Vietnam Foodexpo 2017) với tư cách là Quốc gia danh dự. Hai nhà Lãnh đạo cũng hoan nghênh việc tăng cường hợp tác giữa Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Pháp (Business France) và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VIETRADE).

Hai bên khẳng định tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển các quan hệ đối tác kinh tế và công nghiệp lâu dài giữa hai bên. Hai bên hoan nghênh các thỏa thuận ký giữa các công ty hàng không Việt Nam và tập đoàn Airbus, là cơ sở để phát triển hình thức đối tác này trong lĩnh vực hàng không. Hai bên nhất trí thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). Việt Nam hoan nghênh Pháp và EU hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực giúp Việt Nam triển khai EVFTA.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Pháp Francois Hollande đánh giá Việt Nam là quốc gia có vị trí quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, có sự tăng trưởng hết sức ấn tượng.

Cũng nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp François Hollande sang thăm chính thức Việt Nam, ngày 5/9/2016, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Hồ Thị Kim Thoa và Quốc vụ khanh Pháp phụ trách Thương mại, Ngành hàng Thủ công, Tiêu dùng và Kinh tế xã hội đoàn kết Martine Pinville, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VIETRADE) và bà Muriel Pénicaud, Đại sứ đặc trách Đầu tư nước ngoài của Pháp, Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển thương mại Pháp (Business France) đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật của Business France dành cho VIETRADE.

Thỏa thuận trên được thực hiện thông qua Dự án “Tăng cường năng lực hoạt động của VIETRADE để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu”. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao năng lực cán bộ VIETRADE để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện khả năng, đẩy mạnh xuất khẩu hoặc làm dịch vụ gia công cho các tập đoàn công nghiệp quốc tế.

Dự kiến sẽ triển khai Dự án vào quý IV/2016 với thời gian thực hiện là 15 tháng. Trong thời gian trên, các chuyên gia Pháp về xúc tiến xuất khẩu, phân tích thị trường, truyền thông, thương hiệu, thông tin nội bộ, sẽ hỗ trợ Dự án tiến hành thực hiện các hoạt động như đào tạo, cải thiện hệ thống thông tin nhằm hỗ trợ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường khả năng tiếp nhận thông tin của các doanh nghiệp đối với dịch vụ và hỗ trợ xuất khẩu của VIETRADE.

Những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam – Pháp không ngừng phát triển. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2010 - 2012, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước liên tục tăng cao (lần lượt là 2,06 tỷ USD; 2,86 tỷ USD và 3,75 tỷ USD) nhờ tăng trưởng tốt ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Tốc độ tăng bình quân của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Pháp trong cả giai đoạn này là 39%, ở chiều ngược lại, tốc độ nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Pháp về Việt Nam là 22,8%.

Năm 2013, kim ngạch thương mại hai nước đạt 3,2 tỷ USD, giảm 14,7% so với một năm trước đó do sự suy giảm mạnh của nhập khẩu.

Bước sang giai đoạn 2014-2015, tổng trị giá buôn bán 2 chiều giữa 2 nước đã bắt đầu tăng trở lại ở cả xuất khẩu và nhập khẩu nhưng tốc độ tăng của xuất khẩu cao hơn nhập khẩu.

Trong nhiều năm qua, trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp luôn lớn hơn trị giá nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ thị trường này nên cán cân thương mại luôn ở trạng thái thặng dư nghiêng về phía Việt Nam. Đáng chú ý là mức thặng dư thương mại này liên tục tăng kể từ năm 2010 đến năm 2015. Nếu như năm 2010, Việt Nam xuất siêu sang Pháp 130 triệu USD thì đến năm 2015, con số này đã tăng gấp 13 lần, lên đến 1,69 tỷ USD. 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu sang Pháp 1,01 tỷ USD.

Pháp hiện là thị trường cung cấp nguồn hàng nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam lớn thứ 3 ở Châu Âu và đứng thứ 18 trong tổng số các thị trường nước ngoài xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Pháp cũng là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 5 của các doanh nghiệp Việt Nam trong số các thị trường thuộc Châu Âu và đứng thứ 13 trong tổng số các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Hiện có hơn 300 doanh nghiệp Pháp đang đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau, từ lương thực, thực phẩm cho đến các ngành công nghệ tiên tiến. Với con số này, Pháp hiện là nhà đầu tư Châu Âu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Một số tập đoàn lớn của Pháp mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam.