SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

“Cơn sốt” giá cà phê có thể kéo dài tới 2022

Giá cà phê arabica mới hạ nhiệt sau khi tăng mạnh lên cao kỷ lục 7 năm do thời tiết khắc nghiệt ở Brazil thì đến lượt robusta bước vào đợt tăng nóng. Công ty tư vấn Fitch Solutions dự báo giá cà phê có thể duy trì cao đến năm 2022.

Giá cà phê robusta trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) tiếp tục tăng lên cao nhất trong vòng 4 năm do nhu cầu gia tăng trên thị trường thế giới trong khi xuất khẩu từ Việt Nam bị gián đoạn do Covid-19 khiến nguồn cung trên toàn cầu bị thắt chặt.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 phiên cuối tuần (17/9) đạt kỷ lục cao chưa từng có trong 4 năm trở lại đây, là 2.157 USD/tấn, kết thúc phiên thấp hơn một chút (2.151 USD/tấn) nhưng vẫn cao hơn 44 USD, tương đương 2,1% so với phiên liền trước.

Arabica kỳ hạn tháng 12 giao dịch trên sàn New York phiên này chốt ở mức 1,864 USD/lb.

Những đợt băng giá và hạn hán kéo dài ở Brazil đã làm hư hại nhiều diện tích cây cà phê của nước này, đẩy giá tăng vọt trong nửa đầu năm 2021, lên mức cao nhất trong vòng 7 năm.

Sau giai đoạn tăng nóng do thời tiết khô hạn và băng giá ở Brazi, thị trường arabica đã dịu lại, một phần bởi thời tiết ở Brazil bắt đầu có mưa, mặc dù chưa đủ giải hết "cơn khát nước" của những nông trường cà phê suốt nhiều tháng khô hạn nhưng cũng làm bớt đi lo ngại về tổn thất đối với sản lượng vụ tới, một phần vì các nhà rang xay chuyển hướng sang tăng cường sử dụng loại robusta rẻ hơn để giảm bớt chi phí.

Thời tiết xấu cũng ảnh hưởng đến vụ thu hoạch cà phê của Colombia. Ngoài ra, sự xuất hiện của virus Covid-19 biến thể "mu" ở nước này có thể dẫn tới những chính sách phong tỏa/giãn cách xã hội kéo dài, cộng thêm tình trạng thiếu lao động có thể khiến cho tình hình sản xuất cà phê Colombia sẽ xấu đi hơn nữa.

Những điều này góp phần đẩy giá robusta tăng lên. Kết hợp với đó, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở Việt Nam, đặc biệt nghiêm trọng ở Thành phố Hồ Chí Minh, khiến cho việc vận chuyển cà phê xuất khẩu bị gián đoạn, trong bối cảnh cước phí vận tải cao trên toàn cầu và tình trạng thiếu container càng đẩy giá robusta tăng cao.

“Cơn sốt” giá cà phê có thể kéo dài tới 2022 do dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam - Ảnh 1.
Diễn biến giá cà phê thế giới

Sự gián đoạn dòng chảy cà phê từ Đông Nam Á và chi phí vận chuyển cà phê cao đã khiến lượng cà phê robusta lưu tai các kho dự trữ trên sàn ICE tính đến 16/9 chỉ còn 131.270 tấn, giảm so với 141.330 tấn một tháng trước.

Là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, Việt Nam đang phải chống chọi với đợt bùng phát Covid-19 thứ 4, ảnh hưởng đến những chuyến cà phê xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong tháng 8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,7% so với tháng 7 xuống còn 111.697 tấn, theo dữ liệu của Hải quan. Tính trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê ở mức 1,1 triệu tấn, thấp hơn 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy khối lượng giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng vẫn tăng 2% lên khoảng 2 tỷ USD nhờ giá cà phê thế giới năm nay cao.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam ít đi trong khi sản lượng của các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới khác cũng giảm đã khiến cà phê trở thành mặt hàng "nóng" trong năm nay, với giá robusta đã tăng 52,2% kể từ đầu năm.

Trong khi đó, "Nhu cầu cà phê, ít nhất là ở Châu Âu và Mỹ, sẽ tăng lên trong những tháng tới, khi những hạn chế để chống Covid-19 được dỡ bỏ, cho phép các quán cà phê được mở cửa trở lại", Fitch Solutions nhận định.

Công ty tư vấn này đã nâng dự báo giá bình quân cà phê arabica năm 2021 từ 1,35 USD/lb lên 1,6 USD/lb; dự báo về giá arabica bình quân năm 2022 cũng được nâng từ 1,25 USD/lb lên 1,5 USD/lb.

Triển vọng thị trường cà phê

Những hạn chế chống Covid-19 ở Việt Nam có thể sắp được dỡ bỏ dần, chuỗi cung ứng sẽ được nối lại. Fitch Solutions dự báo tình trạng gián đoạn xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ chỉ kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa. Trong khi đó, sản lượng cà phê Brazil dự báo cũng sẽ hồi phục "khá nhanh", nếu không xảy ra những đợt thời tiết cực đoan khác nữa.

Như vậy, nguồn cung cà phê toàn cầu có thể sẽ bắt đầu hồi phục trong niên vụ 2022/2023. Fitch Solutions dự đoán giá arabica trung bình năm 2023 sẽ giảm xuống 1,20 USD/lb.

Theo Công ty tư vấn này: "Các biện pháp hỗ trợ sản xuất mà các chính phủ ở nhiều nơi khắp Châu Á và Mỹ Latin, trong đó có Colombia và Việt Nam, đang được triển khai sẽ giúp hoạt động sản xuất và xuất khẩu nhanh chóng trở về trạng thái bình thường", "Ngoài ra, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ ở nhiều nước tiêu dùng cà phê chủ chốt trên thế giới, như EU (27 nước) và Nhật Bản, dường như đang đạt đỉnh", đồng nghĩa với cơn "sốt" giá cà phê sẽ không kéo dài quá lâu.

Tham khảo: Cnbc, Refinitiv
Theo Nhịp sống kinh tế