SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Nhiều dư địa phát triển TMĐT trên nền tảng di động

Theo Báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2014, ước tính doanh thu từ TMĐT (B2C) của nước ta đạt 2,97 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2013 và chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước. Bên cạnh hình thức truy cập Internet truyền thống qua máy tính xách tay, người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển hướng sang sử dụng các thiết bị di động để truy cập Internet. Năm 2010 số người truy cập Internet qua điện thoại di động chỉ ở mức 27%, sau 4 năm tỷ lệ này đã tăng 38% và đạt mức 65% năm 2014. Điều đó cho thấy dư địa dành cho hoạt động TMĐT nói chung và hoạt động TMĐT trên nền tảng di động Việt Nam nói riêng rất lớn.

TMĐT trên nền tảng di động sẽ đóng vai trò quan trọng

Tại Hội thảo "Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/3/2015, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, TMĐT đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của thương mại thế giới. Ở một số quốc gia công nghệ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, doanh thu từ TMĐT trên nền tảng di động chiếm 40 - 50% doanh thu TMĐT. Với xu thế chung như vậy và với sự tham gia sâu rộng của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp, đặc biệt là công ty ứng dụng công nghệ và phát triển công nghệ thì TMĐT trên nền tảng di động chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong TMĐT nói riêng và nền thương mại thế giới nói chung trong những năm tới. Dự báo, năm 2018, TMĐT trên nền tảng di động có thể chiếm tới 50% doanh thu của TMĐT trên toàn cầu. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham dự và phát biểu tại Hội thảo

Trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, TMĐT với cuộc cách mạng công nghệ di động, dẫn đầu bởi điện thoại thông minh và các phần mềm ứng dụng đang góp phần thúc đẩy hoạt động bán lẻ, tạo ra sự chuyển hướng căn bản trong mối quan hệ tương tác giữa người tiêu dùng, nhà bán lẻ và thương hiệu hàng hóa.

Khi người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động với phần mềm ứng dụng trên thiết bị để tìm kiếm, truy cập, so sánh và mua sắm hàng hóa thì giải pháp di động đang trở thành một kênh kinh doanh quan trọng cho ngành bán lẻ. Thống kê từ các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam cho thấy các nhà bán lẻ đang cố gắng thích nghi với khuynh hướng TMĐT trên nền tảng di động. Không chỉ tích cực giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các chương trình khuyến mại trên môi trường mua sắm di động, các doanh nghiệp bán lẻ còn đầu tư thiết kế các ứng dụng di động riêng cho thương hiệu của mình.

Theo khảo sát thực hiện bởi Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin năm 2014 với hơn 900 người tiêu dùng có sử dụng Internet, bên cạnh hình thức truy cập Internet truyền thống qua máy tính xách tay, người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển hướng sang sử dụng các thiết bị di động để truy cập Internet. Cụ thể, mặc dù năm 2010 số người truy cập Internet qua điện thoại di động chỉ ở mức 27%, tuy nhiên sau 4 năm tỷ lệ này đã tăng 38% và đạt mức 65% năm 2014; bên cạnh đó việc sử dụng các thiết bị di động khác để truy cập Internet cũng tăng mạnh, do có sự xuất hiện của các thiết bị công nghệ mới như máy tính bảng, ipod,… tỷ lệ này tăng 19% năm 2014 so với 0% của năm 2010. 

Thống kê từ phía người tiêu dùng cũng cho thấy hình thức mua sắm trực tuyến của người dân qua các ứng dụng di động cũng tăng gấp đôi từ 6% năm 2013 lên 13% năm 2014. Kết quả khảo sát trên cho thấy, TMĐT trên nền tảng di động đang từng bước đi vào lĩnh vực bán lẻ với vai trò chuyển đổi từ một kênh liên lạc sang vai trò kênh tương tác giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Khả năng tiếp nhận từ phía người tiêu dùng là rất khả quan

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, khẳng định: TMĐT trên nền tảng di động là hướng phát triển tất yếu trong TMĐT. Các dịch vụ ngân hàng – thanh toán, dịch vụ tương tác, dịch vụ nội dung số, ứng dụng, trò chơi, quảng cáo, mua sắm qua thiết bị di động đang trở thành một trào lưu, một xu hướng phổ biến bởi tính thuận tiện, linh hoạt, kết nối dễ dàng. Đặc biệt đặc tính định vị của điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức giao dịch TMĐT. 

Còn nhiều thách thức

Mặc dù TMĐT trên nền tảng di động là hướng phát triển tất yếu trong TMĐT, tuy nhiên, việc phát triển TMĐT trên nền tảng di động cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp và nhà quản lý. 

Theo đại diện một số doanh nghiệp, việc giao dịch trong TMĐT thực chất là kinh doanh lòng tin vì người mua và người bán không trực tiếp gặp nhau, trong khi chất lượng hàng hóa thì do người bán quyết định. Do vậy, cần phải có chế tài quy định rõ trách nhiệm của từng bên trong quá trình xảy ra tranh chấp.

Ông Nguyễn Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sendo, một trong những công ty mua sắm trực tuyến cho biết, hiện còn nhiều vấn đề tồn tại trong phát triển TMĐT trên nền tảng di động tại Việt Nam.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương

“Việt Nam được đánh giá là một trong những nơi có cơ sở hạ tầng về Internet trên di động rất tốt so với các nước trong khu vực. 3G được phủ sóng rộng rãi, miễn phí wifi ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Liên quan đến chính sách trong TMĐT nói chung còn nhiều vấn đề. Ví dụ thu thuế như thế nào, thanh toán như thế nào. Hiện thu thuế người bán trên TMĐT vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng, khiến việc kinh doanh trên TMĐT khó kiểm soát về doanh thu và thị trường. Khi có khung khổ pháp lý chặt chẽ, doanh nghiệp sẽ thuận lợi và đỡ lúng túng hơn trong hoạt động”, ông Hoàng cho biết.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, sự thay đổi nhanh chóng về mặt công nghệ sẽ dẫn đến thay đổi về mặt nhận thức, quan điểm và mô hình quản lý và tổ chức trong hoạt động về dịch vụ cũng như các hoạt động liên quan của TMĐT. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có sự năng động, tiếp cận với nhu cầu thực tiễn để đưa ra những chính sách hợp lý tạo nền tảng bền vững cho phát triển TMĐT nói chung và TMĐT trên nền tảng di động nói riêng. 

Ông Trần Hữu Linh cho rằng, cần có các giải pháp về chính sách, quản lý và công nghệ để cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng đảm bảo vấn đề an toàn trong giao dịch và thanh toán.

“Chính sách cần phải cố gắng theo kịp thực tiễn. Nghị định 125 vừa rồi đã phát huy hiệu quả tốt trên lĩnh vực website. Trên nền tảng di động, các cơ quan quản lý nhà nước đang phối hợp có những điều chỉnh phù hợp. Quan trọng nhất là tạo lập môi trường chính sách, do đó cơ quan sẽ nghiên cứu và dự thảo thông tư để phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động. Ngoài ra cũng sẽ có hoạt động phát triển lĩnh vực này, ngày mua sắm trực tuyến sẽ ưu tiên tập trung nhiều trên các thiết bị di động”, ông Linh chỉ rõ.

Theo ông Trần Hữu Linh, đến nay Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT nhằm làm rõ hơn các quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP trong đó đã quy định việc thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho Thương mại điện tử phát triển. Trong năm 2015, Bộ Công Thương sẽ ban hành thông tư nhằm quản lý hoạt động TMĐT trên nền tảng di động. Đây sẽ là công cụ hữu ích nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch điện tử.

Theo ông Trần Hữu Linh, với mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp cung cấp giải pháp TMĐT, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng và dịch vụ (trực tuyến) có liên quan đến nông sản, thực phẩm, đồ uống; doanh nghiệp chuyên tư vấn về thương hiệu, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA) sẽ tham gia gian hàng rộng 72 m2 tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2015 (Vietanm Foodexpo 2015). Giang hàng sẽ giới thiệu với khach tham quan, giao dịch về thông điệp: “Sức mạnh của TMĐT trong việc phân phối và kinh doanh nông sản thực phẩm và đồ uống”. 

Sự tham gia của VECITA tại Vietnam Foodexpo sẽ mang đến cho khách hàng tham dự triển lãm những cơ hội trải nghiệm mới, giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống tiếp cận khách hàng và người tiêu dùng trên phạm vi rộng lớn hơn, bởi lĩnh vực này rất phù hợp với việc kinh doanh online.

Nguồn PROMOCEN