SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Tạo cú huých mới về hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Đan Mạch

Bộ trưởng Thương mại và Hợp tác Phát triển Đan Mạch, ông Mogens Jensen đã dẫn đầu một phái đoàn gồm 18 doanh nghiệp hàng đầu của nước này đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư trong 4 lĩnh vực là nông nghiệp, năng lượng, giáo dục và y tế. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp nhận được những sự quan tâm đáng kể với gần một nửa số doanh nghiệp Đan Mạch tham gia đoàn hoạt động trong ngành chăn nuôi, chế biến máy móc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp...

Danish Farm Concept là một thương hiệu đại diện cho mô hình chăn nuôi heo toàn diện của Đan Mạch, cung cấp cho các cơ sở chăn nuôi lợn các giải pháp thiết kế trang trại thân thiện với môi trường và các gói công nghệ di truyền, giáo dục, đào tạo nhân viên quản lý trang trại.

DanBred International chuyên xuất khẩu các giống gia súc cũng như các giải pháp quản lý gien cho phân khúc thịt lợn. Công ty Linco Food Systems A/S chuyên sản xuất máy móc chế biến thực phẩm tiên tiến để cung cấp cho khách hàng những giải pháp chế biến gia cầm hiệu quả hơn, an toàn hơn và khả thi hơn về mặt tài chính. Công ty Marel cung cấp các thiết bị, hệ thống và dịch vụ tiên tiến cho các ngành chế biến thủy hải sản, gia súc, gia cầm. Công ty thiết kế Đan Mạch Poul Tarp A/S hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, phát triển và sản xuất các giải pháp phần mềm và phần cứng đáp ứng nhu cầu của ngành sữa... Các doanh nghiệp Đan Mạch này đều chung mong muốn xúc tiến đẩy mạnh mối quan hệ với ngành thực phẩm Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc hội thảo

Tại Hội thảo tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Đan Mạch diễn ra chiều ngày 19/1/2015 tại Hà Nội, bà Karen Haekkerup, Giám đốc điều hành, Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch cho hay, Đan Mạch nổi tiếng với lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm với công nghệ thân thiện với môi trường. Đặc biệt, Đan Mạch là nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực thịt và sữa trên thế giới. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản chiếm tới ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch, tốc độ tăng trưởng sản phẩm nông nghiệp luôn cao nhưng tác động tới môi trường lại giảm xuống.

“Chăn nuôi được cho là một lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nhất trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng ở Đan Mạch, chúng tôi nuôi 2 con heo hiện nay chỉ tác động tới môi trường bằng nuôi 1 con heo cách đây 30 năm. Vì vậy, chúng tôi muốn mang công nghệ này để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam” - bà Karen Haekkerup cho biết.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Mogens Jensen và Thứ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chứng kiến việc ký kết 03 biên bản hợp tác kinh doanh giữa các công ty Việt Nam và Đan Mạch, trong đó có 02 biên bản hợp tác về nông nghiệp. Cụ thể, Công ty Vissing Agro và Công ty Thái Dương (Sun Group) ký hợp đồng về cung cấp thiết bị chuồng trại heo; Công ty Danbred và Tập đoàn Dabaco ký hợp đồng cung cấp heo giống.

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này của đoàn doanh nghiệp Đan Mạch, Ban Tổ chức Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2015 (Vietnam FoodExpo 2015) thuộc Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã có dịp tiếp xúc và mời các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm của Đan Mạch tiếp tục tới Việt Nam vào thời gian từ 13-16/5/2015 tới đây để tham quan, giao dịch tại triển lãm. Theo Ban Tổ chức Vietnam FoodExpo 2015, triển lãm là nơi hội tụ quy mô lớn nhất về số lượng các nhà sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh nông sản, thực phẩm và đồ uống Việt Nam nên sẽ là dịp thuận lợi cho các doanh nghiệp Đan Mạch kết nối đối tác.
 

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Hợp tác Phát triển Đan Mạch
Mogens Jensen chứng kiến  Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa DN Việt Nam và DN Đan Mạch

 

Hiện nay, có hơn 130 công ty Đan Mạch đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, lễ ký thỏa thuận Đối tác toàn diện năm 2013 giữa hai nước đã thắt chặt và củng cố thêm những hoạt động đối thoại về chính trị, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đan Mạch.

Trong thời gian tới khi các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do mới được hoàn tất như FTA Việt Nam - EU, các doanh nghiệp Đan Mạch sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác đầu tư phù hợp với tiềm năng và mối quan tâm của mình, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư, trong đó có chế biến nông, lâm, thủy sản...

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, kể từ năm 1994, Đan Mạch đã hỗ trợ phát triển cho Việt Nam 1,3 tỷ USD. Qua sự hỗ trợ này, Đan Mạch đã góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội diễn ra ở Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, hợp tác thương mại, đầu tư song phương đã có những bước chuyển biến tích cực. Từ năm 2001 trở lại đây, trao đổi thương mại giữa hai nước tăng trưởng trung bình khoảng 16%/ năm. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đan Mạch đạt 450 triệu USD. Tính đến hết năm 2014, con số này đạt gần 480 triệu USD, tăng trưởng khoảng  6,45%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch đạt 303 triệu USD, tăng 13,2%.

Ông Thomas Bustrup, Phó Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch chia sẻ: “Kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch sang Việt Nam hiện đang cao hơn kim ngạch bình quân của 15 nước trong khối EU nên chúng tôi tin tưởng rằng đoàn doanh nghiệp Đan Mạch đến Việt Nam lần này sẽ tích cực hỗ trợ các hoạt động kinh doanh thương mại hiện nay, góp phần tăng cường hơn nữa giao thương giữa hai nước”.