Trong số các đoàn khách này có những chuỗi siêu thị có quy mô hiện diện toàn cầu như Walmart của Mỹ, CJ, Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)… Nhiều đoàn doanh nghiệp Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng bày tỏ mối quan tâm đến việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ Việt Nam.
Trong ngày khai mạc triển lãm, ông Bertrand Lortholary, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam, quốc gia danh dự của triển lãm kỳ tổ chức năm 2017 cho biết, Pháp đang nhập khẩu các sản phẩm hải sản (tôm, cá, mực) và một số loại rau thơm từ Việt Nam. Các sản phẩm này được người tiêu dùng Pháp yêu thích. Thời gian tới, Pháp có thể nhập thêm các mặt hàng nông sản như cà phê, cacao từ Việt Nam.
Cũng theo ông Bertrand Lortholary, không chỉ nhập khẩu nông sản tươi, phía Pháp mong muốn được hợp tác, tìm nhà cung ứng nguồn nguyên liệu từ Việt Nam để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng có giá trị cao.
“Marou Chocolate, một thương hiệu chocolate do hai doanh nhân người Pháp làm nên từ chính nguồn nguyên liệu cacao của Việt Nam hiện đã xuất khẩu số lượng không nhỏ qua Pháp và được người tiêu dùng tại đây rất ưa chuộng. Việc này đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho nguồn nguyên liệu chất lượng của Việt Nam”, ông Bertrand Lortholary nói.
Phía Pháp cũng đang tích cực tìm nguồn cung để nhập các loại trái cây nhiệt đới. “Hiện tôi chưa thấy sản phẩm rau củ quả Việt Nam tại Pháp. Chúng tôi đang muốn thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm rau củ quả của Việt Nam sang Pháp một cách chính thức”, ông Bruno Dupont – Chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả Pháp cho biết. “Thông qua các chuyến thăm tới Việt Nam, các nhà lãnh đạo của Pháp, bao gồm cả cựu tổng thống Pháp Francois Hollande, cũng có sự quan tâm đến các loại rau, củ, quả của Việt Nam. Theo đó, thông qua cuộc triển lãm lần này, Pháp sẽ có các buổi làm việc, đối thoại để thúc đẩy việc nhập khẩu các sản phẩm rau, củ, quả từ Việt Nam”, ông Bruno Dupont thông tin thêm.
Riêng Nhật Bản có đến 6 hệ thống siêu thị lớn như BIC A, Kohyo, Mamimart, Daiei... đến Vietnam Foodexpo để tìm nhà cung cấp. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ khác của Nhật Bản cũng không bỏ lỡ dịp tới triển lãm để kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
“Chúng tôi đã nhập được 2.000 tấn chuối từ Việt Nam. Xoài và thanh long thì chưa nhiều. Riêng thanh long ruột đỏ thì mới được cấp phép hồi đầu năm nên tiêu thụ được 50 tấn. Sắp tới, chúng tôi có nhu cầu nhập khẩu thêm các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh như cá ngừ chẳng hạn. Chúng tôi hy vọng có thể nhập được nhiều sản phẩm Việt Nam hơn nữa”, ông Hidekatsu Ishikawa – Chủ tịch Công ty VIENT, đơn vị nhập khẩu hàng Việt để phân phối cho các siêu thị tại Nhật, cho biết.
Theo ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, đã có những kết quả cụ thể trong vài năm gần đây trong việc hợp tác sản xuất và xuất khẩu nông sản thực phẩm thông qua các kỳ triển lãm Vietnam Foodexpo.
“Có doanh nghiệp của Italy năm ngoái tham gia triển lãm này thì năm nay họ mở được cùng lúc 3 nhà máy tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các tập đoàn Hàn Quốc cũng liên kết được với các doanh nghiệp hàng đầu trong nước để xuất hàng đi nước ngoài”, ông Sơn nói.