Tại Hội thảo với chủ đề: “Hương vị, Chất lượng và An toàn vệ sinh thực phẩm: Chia sẻ kỳ vọng của Pháp và Việt Nam” được tổ chức ngày 15/11 trong trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2017 (Vietnam Foodexpo 2017), các chuyên gia ngành thực phẩm của Pháp đã chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm về những thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng Pháp và Việt Nam cũng như các phản hồi về chất lượng và an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn được đưa ra nhằm đảm bảo thông tin cho người tiêu dùng tốt hơn.
Thông qua các bài trình bày của các cơ quan chức năng, các nhà chuyên gia, nhà nghiên cứu, các công ty Pháp và Việt Nam, Hội thảo đã xem xét về tầm quan trọng của văn hóa ẩm thực và thực phẩm ở cả hai nước; giải thích những điểm tương đồng khi quan sát về nhận thức, kỳ vọng và hành vi mua hàng của người tiêu dùng; đồng thời tập trung trao đổi các vấn đề chất lượng và sự an toàn của sản phẩm, đảm bảo có thể cung cấp cho người tiêu dùng.
Đến với Vietnam Foodexpo năm nay với vai trò quốc gia danh dự, Pháp bày tỏ thiện chí mong muốn trao đổi với đối tác Việt Nam những kinh nghiệm của Pháp “để có nguồn thức ăn sạch, không chỉ cho bây giờ mà còn cho thế hệ tương lai”, như lời ông Bruno Dupont – Chủ tịch Hiệp hội rau củ quả Pháp nói.
Ông Alexandre Bouchot – Tham tán nông nghiệp của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam
Ông Alexandre Bouchot – Tham tán nông nghiệp của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, mỗi nhà sản xuất tại Pháp phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của họ. Ngoài ra, thực phẩm trước khi được phân phối ra các chợ nhỏ lẻ cũng phải thông qua một chợ đầu mối lớn, nơi diễn ra quá trình kiểm tra nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng.
Nước Pháp cũng rất coi trọng vấn đề giải quyết khủng hoảng thực phẩm. Chẳng hạn như vụ trứng nhiễm độc do thuốc trừ sâu rầy Fipronil vào tháng 7 năm nay, ông Alexandre Bouchot cho biết nước Pháp đã huy động toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm vào cuộc, điều tra và kịp thời giải quyết.
Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm của nước này cũng ra thông cáo báo chí chính thức về vụ việc trên các website của chính phủ để mang thông tin đúng đến cho người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận.
Mỗi năm, nước Pháp chi 350 triệu euro cho công tác kiểm tra an toàn thực phẩm để giám sát hơn 500.000 trang trại, hơn 400.000 cơ sở chế biến, phân phối và nhà hàng; với hơn 75.000 đợt kiểm tra an toàn thực phẩm, 30.000 đợt kiểm tra nông trại chăn nuôi và 6.900 đợt kiểm tra việc sử dụng các sản phẩm kiểm dịch thực vật.