SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Cơ hội cho nước mắm Phú Quốc vươn xa

Sáng ngày 22/7/2014, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký ở Châu Âu, do Bộ Công Thương thông qua Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư Châu Âu (EU – Mutrap) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ truyền thông Chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm. 

 

Việc EU trao chứng nhận về tên gọi xuất xứ được bảo hộ đối với nước mắm Phú Quốc của Việt Nam (tháng 12/2012) là một sự kiện lịch sử vì đây không những là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam mà còn của cả Đông Nam Á được Liên minh Châu Âu (EU) trao chứng nhận này. Điều này có nghĩa tên gọi “nước mắm Phú Quốc” sẽ được bảo hộ trên toàn lãnh thổ của 28 quốc gia thành viên của EU. Đây là một thành công rất quan trọng cho các nhà sản xuất nước mắm tại Phú Quốc.Sau khi được chứng nhận bảo hộ tên gọi xuất xứ, việc đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào và quy trình sản xuất nước mắm Phú Quốc tuân thủ theo hồ sơ đăng ký với EU là một trong những vấn đề chính đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Ban Kiểm soát nước mắm Phú Quốc cũng như các doanh nghiệp mong muốn được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” được EU bảo hộ.Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, để giữ được chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý này của EU, vấn đề đặt ra là sản phẩm nước mắm Phú Quốc phải đáp ứng được chất lượng đã đăng ký, cũng như kiểm soát được hàng giả, hàng nhái.

Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, khi đạt được chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý của EU, sản phẩm nước mắm Phú Quốc sẽ phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt từ nguồn nguyên liệu đầu vào (là cá cơm) đến quy trình sản xuất và đóng chai. Cụ thể, vùng đánh bắt cá nguyên liệu dùng để chế biến nước mắm Phú Quốc phải là vùng biển Kiên Giang, Cà Mau. Tỷ lệ cá cơm trong nguyên liệu chế biến tối thiểu là 85%. Ngoài ra, việc bao gói tại cơ sở sản xuất phải nằm trên địa bàn huyện Phú Quốc nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như tránh được việc làm hàng giả, hàng nhái.

 Theo báo cáo của Hội nước mắm Phú Quốc, hiện có 68/80 doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thương hiệu nước mắm Phú Quốc. Ước tính mỗi năm các doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường khoảng 24 triệu lít nước mắm Phú Quốc. Tuy nhiên, do thương hiệu này đang rất nổi tiếng nên tình trạng làm hàng nhái thương hiệu vẫn còn khá phổ biến.Để giúp người tiêu dùng phân biệt được nước mắm Phú Quốc đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc phân tích, nước mắm Phú Quốc chính hiệu có tem về mã số sản phẩm (được dán trên cổ chai), logo chung về Phú Quốc và logo dán chỉ dẫn địa lý của Châu Âu, trong đó tem về mã số sản phẩm sẽ được cấp theo tên của từng doanh nghiệp khi đạt các tiêu chuẩn về chỉ dẫn địa lý. Từ mã số ghi trên sản phẩm có thể truy xuất được thông tin về nguồn gốc sản phẩm.

Mở rộng thị trường trong nước

Theo ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ), đối với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối tại Hà Nội, việc kinh doanh, phân phối sản phẩm nước mắm đủ điều kiện được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phú Quốc không chỉ đơn giản là lợi ích về thương mại, mà đó còn là trách nhiệm về khía cạnh pháp luật, là sự đóng góp cho sự phát triển chung của chỉ dẫn địa lý Phú Quốc nói riêng và chỉ dẫn địa lý Việt Nam nói chung.Cũng tại hội thảo, Hội Nước mắm Phú Quốc và một số doanh nghiệp phân phối có uy tín như chuỗi siêu thị BigC, Hapro, Fivi Mart, Ocean Mart, doanh nghiệp Chợ Đồng Xuân đã ký kết thỏa thuận thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc”, mở ra cơ hội thâm nhập các kênh phân phối rộng khắp, đưa các sản phẩm nước mắm truyền thống, đảm bảo chất lượng mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” tiếp cận với người tiêu dùng cả nước. Việc ký kết này cũng sẽ là cơ sở để người tiêu dùng có thể lựa chọn đúng sản phẩm cũng như chống lại hàng giả, hàng nhái đối với mặt hàng này.Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, việc quảng bá rộng rãi, khuyến khích sản xuất, phân phối, tiêu dùng đặc sản nước mắm Phú Quốc trong và ngoài nước còn góp phần thiết thực hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động.

Tạo thuận lợi để tăng xuất khẩu

Theo ông Bryan Fornari, Phó Ban hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Giấy chứng nhận tên gọi xuất xứ (PDO) có thể được xem như một công cụ tiếp thị quan trọng, giúp cho nước mắm Phú Quốc bán chạy hơn ở EU và các thị trường khác. Nhưng đây chỉ là bước đầu để nước mắm Phú Quốc tiếp cận tốt hơn và sinh lời tại thị trường EU. Cần phải nghiên cứu tìm ra cách làm sao cho Giấy chứng nhận PDO có thể đem lại lợi nhuận thông qua một chiến lược tiếp thị hiệu quả, cho phép thương hiệu sản phẩm trở nên nổi tiếng bởi chất lượng của chính sản phẩm đó.Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU sẽ giúp cho nước mắm Phú Quốc có nhiều lợi thế và tăng giá trị gia tăng. Chỉ dẫn địa lý không chỉ gắn với chất lượng sản phẩm mà còn gắn với tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp. Đối với thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm như EU, bên cạnh việc cần sản phẩm đảm bảo chất lượng, chỉ dẫn địa lý, các doanh nghiệp cần có chiến lược quảng bá mạnh mẽ để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình.Ông Bryan Fornari cũng lưu ý, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một thành tựu đối với nước mắm Phú Quốc, tuy nhiên các nhà sản xuất ngoài việc cần hiểu về lợi ích còn phải hiểu về những thách thức của sản phẩm này trong thời gian tới để có chiến lược kinh doanh phù hợp.Bà Nguyễn Thị Tịnh cho biết, xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang EU tăng sau khi nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại EU. Từ năm 2002, Phú Quốc có 2 doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang thị trường EU và được người tiêu dùng nơi đây ưa chuộng. Những năm trước, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU 4% tổng sản lượng nước mắm Phú Quốc, riêng năm 2013, lượng nước mắm xuất khẩu sang thị trường này chiếm 10-12% tổng sản lượng nước mắm Phú Quốc. Hiện nay, ngoài thị trường EU còn có thêm một doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang thị trường Mỹ.Ông Lương Thanh Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, đã và đang tham gia các hiệp định FTA và TPP… thì việc bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ trở thành công cụ thương mại quan trọng để các nước, trong đó có Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập vào thị trường trong nước và quốc tế.Do đó, ông Lương Thanh Hải bày tỏ hy vọng, các sở, ban, ngành của tỉnh Kiên Giang cùng UBND huyện Phú Quốc, Hội Nước mắm, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước mắm thực hiện đầy đủ các quy định trong quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc, nỗ lực phát triển thị trường, quảng bá và nâng cao giá trị của sản phẩm, để nước mắm Phú Quốc mãi duy trì được danh tiếng và niềm tin của người tiêu dùng.

Nguồn: Bản tin Xuất Khẩu - Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (PROMCEN)