SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Phát triển ngành điều gắn với chuỗi giá trị toàn cầu

Mặc dù là nước xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới nhưng ngành điều Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguyên liệu, chế biến, cũng như việc tiếp cận thị trường. Để đạt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 3 tỷ USD vào năm 2020 và giữ vững vị trí xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới, ngành điều ViệtNam cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây là nội dung được đưa ra tại Hội nghị "Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức.

 “Ngôi vương” vẫn gặp khó

Theo Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước xuất khẩu 257.000 tấn hạt điều, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,55 tỷ USD, giảm 0,2% về khối lượng nhưng tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2017 đạt 9.891,3 USD/tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016. Những thị trường xuất khẩu chủ yếu của hạt điều Việt Nam là Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc.

Mặc dù là nước xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới, nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu điều thô, còn hạn chế trong chế biến sâu. Sản lượng giảm, hiệu quả sản xuất thấp, thu nhập từ điều không cao, giá trị gia tăng thấp, nhiều diện tích điều bị thoái hóa hoặc bị chuyển đổi sang trồng các cây khác như cao su, cà phê, hồ tiêu... có hiệu quả kinh tế cao hơn, hoặc chuyển sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp.

Ông Lê Văn Liền, chuyên gia phân tích thị trường cho biết, đến nay, Việt Nam mới chỉ tham gia được vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%. Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản.

Nguyên liệu hiện cũng là một trong những vấn đề thách thức đối với ngành điều. Theo các chuyên gia, sản lượng điều trong nước mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu của hơn 300 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Lượng điều nguyên liệu mà các doanh nghiệp chế biến nhập khẩu ngày càng tăng khiến cho giá thành sản phẩm tăng cao, mà chất lượng sản phẩm không ổn định. Nguồn điều này chủ yếu được nhập khẩu từ Campuchia, Ấn Độ, Bờ biển Ngà, Tây Phi...

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, năm 2016, lượng hạt điều nguyên liệu đưa vào chế biến là 1,5 triệu tấn, trong đó, lượng hạt điều nguyên liệu trong nước chỉ đạt 475.000 tấn (chiếm 31,67% nguyên liệu sản xuất năm 2016), trong khi lượng hạt điều nguyên liệu nhập khẩu tới 1.025.000 tấn. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá hạt điều ở mức cao từ 50.000 - 55.000 đồng/kg.

Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cũng chỉ ra thách thức nữa cho ngành điều Việt Nam là trong số hơn 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu điều, doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu dưới 5 triệu USD/năm chiếm tới 73%, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng không đồng đều, làm thiệt hại chung cho cả ngành, về lâu dài bất lợi cho ngành điều Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cũng thừa nhận, ngành điều hiện tại chưa được quan tâm đầu tư một cách có hệ thống và đang phát triển manh mún, rời rạc, thiếu sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà, dẫn đến các hoạt động sản xuất chưa thực sự đạt hiệu quả đúng với tiềm năng phát triển của ngành.

Cần thực hiện nhiều giải pháp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, mặc dù ngành điều Việt Nam có cơ hội phát triển nhưng nếu không hoá giải được 3 thách thức về nguyên liệu, chế biến và tiếp cận thị trường thì ngành điều sẽ tụt hậu, thậm chí sẽ suy giảm. Trong đó, nút thắt lớn nhất là phải tổ chức lại khâu tổ chức sản xuất nguyên liệu.

Để ngành điều phát huy hết tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới ngành điều cần tập trung vào các giải pháp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện quy hoạch ngành và quy hoạch vùng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, do ngành điều hiện còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên cần tập trung chính sách xây dựng các vùng nguyên liệu điều năng suất cao và ổn định, cần tăng cường các mối liên kết trong nước và nước ngoài để áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác tiên tiến trên cây điều.

Theo các chuyên gia, năng suất điều có thể tăng được 30-40% nếu áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ trong canh tác tiên tiến, đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều. Bên cạnh đó, các giải pháp khác như tái canh, liên kết 4 nhà, chế biến sâu… cần được chú trọng đầu tư trong thời gian tới để ngành điều phát triển bền vững.

 

Phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Hải cho biết, Tập đoàn PAN sẽ hình thành viện nghiên cứu giống điều, tự làm giống,  giải quyết vấn đề giống điều để tạo ra các giống điều chất lượng, năng suất cao. Tập đoàn PAN sẽ hỗ trợ trồng và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân để phát triển ngành điều của Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Về kế hoạch thực hiện, Tập đoàn PAN sẽ thực hiện mô hình thí điểm trên một vùng nguyên liệu với diện tích 10.000ha ở Bình Phước, Tập đoàn liên kết với người nông dân qua hợp tác xã trong quá trình vận hành mô hình. Sau đó nhân rộng mô hình và chuyển giao công nghệ cho các hộ và hợp tác xã trong vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tập đoàn PAN và tỉnh Bình Phước hoàn thiện Đề án mô hình liên kết bốn nhà trong phát triển vùng điều bền vững. Có những phương án tái canh hiệu quả, tiếp tục nghiên cứu về giống, quy trình chăm sóc, đào tạo nguồn nhân lực, sản phẩm chế biến giá trị gia tăng để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững, gắn với chuỗi giá trị.