SECC, TP. Hồ Chí Minh
12-15/11/2025

Trái bơ được tiêu thụ nhiều nhất ở những thị trường nào?

Với việc trái bơ ngày càng được tiêu dùng phổ biến, thị trường bơ toàn cầu năm nay nhìn chung thuận lợi với giá tại nhiều thị trường khả quan, kể cả đối với bơ sản xuất trong nước cũng như bơ nhập khẩu. Dịch Covid-19 buộc mọi người phải ở nhà cũng góp phần khiến tiêu thụ bơ tăng lên.

Trên phạm vi toàn cầu, Mexico, Mỹ và Cộng hòa Dominica là những thị trường tiêu thụ bơ hàng đầu thế giới. Trong số các quốc gia tiêu thụ hàng đầu, mức tiêu thụ bình quân đầu người cao được ghi nhận ở CH Dominica (54,6 kg/năm), gấp hơn 5 lần so với mức trung bình 10 kg/người/năm của thế giới. Tiêu thụ bơ trung bình người/năm ở Mexico hiện khoảng 7 kg, Chile 3,5 kg, Mỹ 2,36 kg, Peru 2,5 kg, Đan Mạch 1,8 kg, EU 0,6 kg…

Trái bơ được tiêu thụ nhiều nhất ở những thị trường nào? - Ảnh 1.
Giá bơ từ đầu tháng 3/2021 đến 6/9/2021 (Nguồn: Tridge)

Những thị trường tiêu thụ bơ truyền thống trên thế giới là Mỹ và EU. Đáng chú ý, hai thị trường tiềm năng có mức tiêu thụ đang tăng nhanh là Trung Quốc và Ấn Độ. Do vậy vẫn còn có rất nhiều cơ hội phát phát triển cho cây bơ, thậm chí một số chuyên gia còn cho rằng trong tương lai gần có thể sẽ xảy ra việc thiếu hụt nguồn cung.

Bắc Mỹ dẫn đầu thế giới về nhập khẩu bơ, chiếm 52% tổng lượng nhập khẩu của thế giới, với phần lớn nhập khẩu đến từ Mexico, tiếp theo là Peru, Chile, Cộng hòa Dominica và Colombia. Nhu cầu tiêu thụ bơ ngày càng tăng ở Mỹ và Canada, dẫn đến xu hướng nhập khẩu ngày càng tăng.

Mỹ có trồng được bơ nhưng luôn trong tình trạng nhập khẩu ròng loại trái cây này vì ngày càng có nhiều người Mỹ theo xu hướng ăn bơ bởi nhiều lợi ích sức khỏe được công nhận và khả năng chế biến thành nhiều món ăn như salad, kem, nhân bánh sandwich và sinh tố. Quả bơ thương mại của Mỹ chủ yếu từ 3 bang là California, Florida và Hawaii có nguồn gốc từ Tây Ấn (West Indies), Guatemala, Mexico hoặc các giống lai từ đó, trong đó giống bơ Hass với hàm lượng dầu 18% - 22% là loại tốt nhất, tiếp theo là giống Fuerte (12% - 17%). Trung bình mỗi người dân Mỹ sử dụng 2,36 kg bơ/năm.

Trong các quốc gia xuất khẩu quả bơ vào Mỹ, Mexico với lợi thế là nguồn cung lớn nhất và cũng là nước có biên giới chung với Mỹ nê giữ vị trí đứng đầu trong số các nhà cung cấp bơ cho Mỹ, chiếm khoảng 80% về khối lượng và gần 90% giá trị tổng kim ngạch nhập khẩu; Peru là nhà cung cấp quả bơ lớn thứ 2, chiếm 6% về khối lượng cũng như giá trị, Chile ở vị trí thứ 3, chiếm 3% tổng khối lượng và giá trị, bơ California chiếm khoảng 9% thị phần thị trường bơ Mỹ.

Nhu cầu bơ ở Liên minh Châu Âu (EU) có xu hướng gia tăng và còn rất nhiều tiềm năng, hiện bình quân tiêu thụ bơ tính trên đầu người của khối EU chưa đến 0,6 kg/người/năm, trong đó người Đan Mạch tiêu thụ nhiều bơ nhất nhưng cũng chỉ mới đạt 1,8 kg bơ/người/năm. Các nước trong khu vực khác có mức tiêu thụ bơ cao trong khu vực là à Đức và Pháp. Tây Ban Nha mặc dù là nhà sản xuất bơ hàng đầu ở châu Âu nhưng chỉ tiêu thụ trung bình 1,2 kg/người/năm.

Thị trường châu Á đóng góp vào 7% lượng bơ nhập khẩu của thế giới. Nhật Bản là thị trường tiêu thụ truyền thống ở thị trường châu Á và là nhà nhập khẩu lớn thứ bảy trên thế giới với khoảng gần 100.000 tấn bơ nhập khẩu mỗi năm. Tuy nhiên, hai quốc gia có nhu cầu tăng nhanh nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bơ đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm gần đây và chúng có thể được tìm thấy trên bàn ăn của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc. Ngày càng nhiều người đã quen với trái cây này và bắt đầu thêm trái cây vào chế độ ăn uống của họ.

Số liệu do Prohass công bố gần đây dự kiến Trung Quốc ​​sẽ nhập khẩu khoảng 467.000 tấn bơ trong mùa vụ năm 2021, cao hơn 27% so với vụ trước đó. Peru đã trở thành nhà cung cấp bơ lớn nhất cho thị trường Trung Quốc với nguồn cung rất ổn định và sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra, nước này còn nhập khẩu bơ từ Chile và Mexico.

Australia sản xuất nhiều bơ và cũng tiêu thụ nhiều. Mức tiêu thụ bơ trung bình của người dân Australia đã tăng lên 3,5 kg/người/năm. Bên cạnh đó, Australia cũng xuất khẩu khoảng 500.000 khay bơ sang tám thị trường trên khắp châu Á và trong đó Thái Lan là thị trường lớn nhất. Khoảng 2,5 triệu khay trị giá hơn 60 triệu USD đã được bán ở New Zealand trong mùa vụ năm 2020.

Năm 2021, Australia hy vọng được mùa bơ và sẽ tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã khiến nhu cầu bơ ở nước ngoài tăng lên.

Tại Việt Nam, bơ là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum… và đang được nông dân tiếp tục mở rộng vùng trồng. Trái bơ Việt Nam không thua kém cả về chất lượng lẫn sản lượng so với các nước xuất khẩu bơ lớn của thế giới. Tuy nhiên, việc xuất khẩu bơ hiện còn hạn chế, thị trường chủ yếu tập trung vào Trung Quốc.

Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 của OECD-FAO, trên thị trường toàn cầu, quả bơ được dự báo là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất vào năm 2030, đạt 30,9 triệu tấn, vượt qua dứa và xoài, với tỷ trọng nhập khẩu bơ của Mỹ dự kiến chiếm 40% và EU chiếm 31% tổng trị giá nhập khẩu quả bơ trên toàn cầu vào năm 2030. Bên cạnh đó, nhập khẩu quả bơ cũng đang tăng nhanh ở nhiều thị trường khác như ở Trung Quốc và một số nước ở Trung Đông. Đây sẽ là cơ hội tốt cho những nước xuất khẩu bơ thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tham khảo: Fruitnet, Industry.nzavocado, Freshplaza
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị