SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Giải pháp xuất khẩu bền vững cho gạo Việt Nam

Mặc dù đạt được những thành quả nhất định, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại. Để phát triển xuất khẩu gạo bền vững, cần tập trung vào một số chủng loại gạo mang lại giá trị cao, cũng như đáp ứng được nhu cầu các thị trường trọng điểm.

Đây là nội dung chính được đưa ra tại Hội nghị triển khai thực hiện chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/10/2017, tại TP. Hồ Chí Minh.

Giảm sản lượng, nâng giá trị

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu đồng thời cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch trên 2 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn 2010-2016 gạo Việt Nam đã được xuất khẩu tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm khoảng 15% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Tuy khối lượng gạo xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thu được không cao, sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường, khâu tổ chức thu mua, chế biến, tạm trữ, bảo quản thóc, gạo còn nhiều bất cập.

Nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Chiến lược này đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7 vừa qua.

Theo mục tiêu tổng quát của Chiến lược, trong giai đoạn 2017 - 2020 lượng gạo xuất khẩu hàng năm sẽ giảm còn khoảng 4,5-5 triệu tấn nhưng vẫn đạt giá trị từ 2,2-2,3 tỷ USD; giai đoạn 2020-2030 sẽ giảm sản lượng xuống 4 triệu tấn nhưng giá trị sẽ đạt vào khoảng 2,3-2,5 tỷ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng được chuyển dịch. Cụ thể, đến năm 2020 sẽ điều chỉnh sản lượng gạo trắng cấp thấp và trung bình còn dưới 20%, gạo trắng cấp cao khoảng 25%, nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica lên 30%, gạo nếp 20% và sản phẩm gạo có tỷ lệ gia tăng khác chiếm khoảng 5%. Đến năm 2030, sẽ giảm gạo trắng cấp thấp, trung bình còn 10%, gạo trắng phẩm cấp cao là 15%, và nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, Japonica lên 40%, gạo nếp lên 25% và sản phẩm gạo có giá trị gia tăng khác là 10%.

Tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cần chủ động với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Đồng tình với Chiến lược phát triển xuất khẩu lúa gạo này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, việc tập trung vào một số chủng loại gạo mang lại giá trị cao trong xuất khẩu, cũng như đáp ứng được nhu cầu các thị trường trọng điểm là điều cần thiết.

Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và xác định rõ thị trường

Nhiều ý kiến tại hội nghị đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu trong thành công của xuất khẩu gạo Việt Nam.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, những năm gần đây, không ít loại gạo thơm, chất lượng cao của Việt Nam được nhà nhập khẩu tại các thị trường đặt hàng, nhưng nhiều khi các doanh nghiệp không có hàng để đáp ứng, do các doanh nghiệp thiếu xây dựng vùng nguyên liệu lúa có quy mô đủ lớn để phục vụ cho các đơn hàng. Do đó, ông Phạm Thái Bình cho rằng, phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam phải được thực hiện từ vùng nguyên liệu lúa.

Đồng quan điểm với ông Bình, đa số các doanh nghiệp cho rằng, cần phát triển cánh đồng lớn, liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để nâng chất lượng gạo xuất khẩu, đáp ứng được các đơn hàng lớn của đối tác.

Bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu, xác định rõ thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) phân tích kỹ hơn về nhu cầu của một số thị trường. Theo ông Huỳnh Minh Huệ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tận dụng lợi thế cạnh tranh sẵn có để củng cố, phát triển thị trường gần, truyền thống có nhu cầu phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước. Ông Huệ cho rằng, Châu Á là thị trường gần và quan trọng nhất đối với Việt Nam, bởi thị trường này đã chiếm đến 68% tỷ trọng xuất khẩu gạo Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017, tiếp theo là Châu Phi (chiếm 15%)...

Cũng theo ông Huỳnh Minh Huệ, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường lớn đối với mặt hàng gạo của Việt Nam. Đối với thị trường Trung Quốc, loại gạo trắng thông dụng của Việt Nam không thể cạnh tranh được với loại gạo này của Pakistan, Myanmar do giá gạo của họ luôn rẻ hơn. Tuy nhiên, với loại gạo nếp, gạo thơm và gạo tấm của Việt Nam lại được tiêu thụ rất tốt ở thị trường này.

Ảnh: Internet

Ngoài ra, Philippines cũng là thị trường mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần khai thác. Ông Huỳnh Minh Huệ cho biết, cuối năm nay, quốc hội Philippines sẽ thông qua luật để bỏ cơ chế hạn ngạch thuế quan, mở ra nhập khẩu theo cơ chế thuế quan. Nếu giải quyết được điều này, thì tất cả các nước trong khối ASEAN (chủ yếu là Thái Lan và Việt Nam), tư nhân sẽ xuất khẩu tự do vào Philipines với mức thuế 35%, trong khi các nước ngoài ASEAN muốn xuất khẩu vào Philippines phải chịu mức thuế đến 400%. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Để Chiến lược về xuất khẩu gạo được thực hiện hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho rằng, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm gạo xuất khẩu và quy trình sản xuất, chế biến từ khâu giống đến sản phẩm cuối cùng để tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu gạo quốc gia. Sớm tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.