Gạo Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó, những thị trường chính như Trung Quốc, Philippines, Malaysia…đều chứng kiến sự tăng trưởng về cả kim ngạch lẫn khối lượng xuất khẩu của gạo Việt Nam. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,56 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 700,7 triệu USD (chiếm 38,8% thị phần), tăng 32% về khối lượng và tăng 30,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Đứng thứ 2 về thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay là Philippines với khối lượng xuất khẩu đạt 21.770 tấn, kim ngạch đạt 167,25 triệu USD (chiếm 9,3% thị phần), tăng gấp 2,15 lần về khối lượng và gấp 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đó là thị trường Malaysia (chiếm 7,8% thị phần), với 365.700 tấn, đạt 141,68 triệu USD, tăng 80,9% về khối lượng và tăng 61,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Trước những diễn biến tích cực của thị trường gạo, mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2017 lên mức 5,6 triệu tấn, thay vì 5,2 triệu tấn được đưa ra trong tháng 7 trước đó.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm khi nhiều thị trường vẫn đang có nhu cầu nhập khẩu lớn mặt hàng này. Mới đây, Bộ Lương thực Bangladesh thông báo mời thầu mua 50.000 tấn gạo đồ Non-Basmati, mở ra nhiều cơ hội cho gạo Việt Nam tăng xuất khẩu sang thị trường này. Trước đó, vào hồi tháng 5 vừa qua, Chính phủ Việt Nam và chính phủ Bangladesh đã gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo và sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký (từ năm 2017-2022). Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến một triệu tấn. Ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ này, phía Bangladesh đã thông báo việc muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000-300.000 tấn gạo trắng 5% tấm. Đồng thời, Bangladesh cũng cho biết muốn mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ tháng 5 đến hết năm 2017.
Ngoài ra, Philippines cũng mở hạn ngạch nhập khẩu gạo theo cơ chế cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu (MAV). Theo đó, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines đã cho phép tư nhân nước này nhập khẩu 805.200 tấn gạo theo cơ chế MAV từ 7 quốc gia và xuất xứ bất kỳ nước nào. Theo kế hoạch, tư nhân Philippines sẽ được phép nhập gạo từ Việt Nam và Thái Lan, mỗi nước 293.100 tấn. Điều thuận lợi là doanh nghiệp tư nhân Philippines chọn mua gạo 25% tấm, gạo nếp, gạo thơm... đều là những loại gạo Việt Nam có thế mạnh. Dự kiến, nếu trúng thầu, gói thầu mới sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thêm đơn hàng lớn "gối đầu" đến năm 2018.