SECC, TP. Hồ Chí Minh
13-16/11/2024

Ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam hút vốn đầu tư nội, ngoại

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến thực phẩm do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ngày 15/11/2018 trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2018 (Vietnam Foodexpo 2018).

Các thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP. Trong 5 năm gần đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến và đồ uống tăng trung bình hàng năm lần lượt ở ngưỡng 9,68% và 6,66%. Theo dự báo của Hãng BMI Research, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đạt tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 là 10,9%.

Trước sự màu mỡ của "mỏ vàng" công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam, các doanh nghiệp nội và ngoại cùng "hào hứng" đổ vốn đầu tư.

Có thể kể đến Tập đoàn CJ Cheil Jedang (CJ) của Hàn Quốc. Có mặt tại Việt Nam từ năm 1999 CJ nhận thấy tiềm năng của thị trường thực phẩm Việt Nam nên thời gian gần đây đã thực hiện hàng loạt thương vụ M&A để mở rộng thị phần. Năm 2016, CJ đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim và chi 300 tỷ đồng mua hơn 4% cổ phần Vissan trong đợt IPO. Tới năm 2017, CJ tiếp tục thâu tóm Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Tre và đổi tên thành CJ Cầu Tre, đồng thời điều chỉnh bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh như chế biến rau quả, sản xuất các loại bánh từ bột và thức ăn chế biến sẵn,...

Một đơn vị khác là PAN Food đã mua 4 công ty chuyên về thực phẩm gồm: Công ty Bibica, Lafooco, Thủy sản 584 Nha Trang, Aquatex Bến Tre để cùng đầu tư, phát triển mảng thực phẩm. Hiện mức doanh thu cả nội địa lẫn xuất khẩu của PAN Food đạt khoảng 90 triệu USD, trong đó có khoảng 45 triệu USD là doanh thu xuất khẩu.

Hay Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam ngoài nhà máy chế biến thực phẩm đã xây dựng tại một số tỉnh, thành phố, mới đây đã đưa vào hoạt động thêm một nhà máy mới có diện tích 6 ha tại KCN Tân Phú Trung (Củ Chi, TP.HCM). Nhà máy được thiết kế với công suất lên đến 13.200 tấn xúc xích và thực phẩm chế biến mỗi năm.

Việt Nam có nguồn cung lớn và phong phú các sản phẩm nông sản, thủy sản và thực phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên Bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết hiện nguyên liệu trong nước cũng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, tiêu chuẩn của doanh nghiệp FDI, vì vậy lượng nhập khẩu nguyên liệu khá lớn; tỷ trọng xuất thô vẫn nhiều, tinh chế vẫn thấp nếu so với doanh nghiệp FDI sản xuất tại nước họ hay các quốc gia khác. Chính vì vậy, để thu hút nguồn vốn FDI trong chế biến thực phẩm, bà Trần Kim Oanh cho rằng cần quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu để sản xuất ổn định

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển, doanh nghiệp và nông dân phải liên kết mạnh hơn, nghiên cứu đầu tư sản phẩm mà thị trường cần, không chỉ đơn thuần bán những thứ mình có, kết hợp với đầu tư công nghệ sản xuất, bao bì, tiếp thị sản phẩm, “bắt tay” với các doanh nghiệp ngoại, các nhà nhập khẩu để sản xuất theo thị hiếu của từng thị trường.

Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần Nhà nước hỗ trợ và ban hành các chính sách phát triển theo các mục tiêu trọng điểm, đặc biệt hướng đến sự liên kết trong chuỗi giá trị.