BTC: Đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản do Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức tham dự Vietnam Foodexpo 2018 khá đông đảo. Ông có thể giới thiệu đôi nét về các đoàn này?
Thực hiện chủ trương của Đại sứ quán cũng như kế hoạch công tác của Thương vụ năm 2018, nhằm mục đích xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, Bộ phận Thương vụ tổ chức 03 đoàn doanh nghiệp Nhật Bản thuộc lĩnh vực nông sản, thực phẩm vào Việt Nam dự Triển lãm Vietnam Foodexpo 2018 tại TP. Hồ Chí Minh.
Đoàn thứ nhất gồm 9 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực siêu thị, kinh doanh nhập khẩu nông sản, thực phẩm, hoa quả tươi... mong muốn khảo sát và tìm nhà cung cấp sản phẩm nông sản thực phẩm tại Triển lãm để nhập khẩu, khảo sát vùng trồng chuối tại Đồng Nai, thanh long ở Bình Thuận và cà phê, mật ong ở Đắk Lắk.
Đoàn thứ hai gồm 2 doanh nghiệp (5 người) thuộc lĩnh vực kinh doanh nông sản, thực phẩm và hoa tươi… Đoàn có nhu cầu tìm nhà cung cấp sản phẩm nông sản, thực phẩm, hoa quả tươi tại Triển lãm; thăm và làm việc với UBND, Sở Công Thương và các doanh nghiệp trồng và xuất khẩu trái vải tươi tỉnh Bắc Giang kết hợp tham quan các vùng trồng vải, để chuẩn bị các công việc nhập khẩu trái vải tươi ngay sau khi Nhật Bản mở cửa thị trường nhập khẩu vào Nhật Bản. Nhân dịp này doanh nghiệp trên sẽ tiến hành hướng dẫn cách thu hoạch, chuyển giao công nghệ bảo quản trái vải tươi sau thu hoạch để xuất khẩu. Hiện nay, Thương vụ đang phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đàm phán với phía Nhật mở cửa thị trường cho trái vải tươi của Việt Nam, cố gắng để mùa vải 2019 bạn chính thức chấp nhận. Vì vậy việc 2 doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm tỉnh Bắc Giang lần này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu được ngay sau khi phía Nhật chính thức mở cửa.
Đoàn thứ ba gồm 13 người gồm Lãnh đạo và cán bộ tỉnh Ibaraki cùng 7 doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm của tỉnh tại Triển lãm để tìm đối tác hợp tác kinh doanh và cung cấp nguyên liệu tại Việt Nam. Ngoài ra, tham gia đoàn của tỉnh này còn có 4 doanh nghiệp khác với mục đích tìm đối tác cung cấp hàng nông sản ngay tại Triển lãm.
BTC: Theo ông, nông sản, thực phẩm Việt Nam đang có lợi thế gì khi xuất khẩu vào Nhật Bản trong thời gian tới?
Người Nhật Bản đang tin dùng các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam hơn so với sản phẩm tương tự của các nước ngoài khác. Đây là một trong những lợi thế lớn cho nông sản, thực phẩm Việt Nam. Bên cạnh đó, việc được hưởng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định VJEPA cũng là yếu tố thuận lợi cho các sản phẩm nông thủy sản - những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Mặt hàng rau quả tươi được hưởng thuế suất 0% sau 5 – 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, thủy sản là lĩnh vực đem lại lợi ích xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam, thì Nhật Bản cũng sẽ giảm thuế từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống 1,31% năm 2019. Mặt hàng tôm, cua ghẹ và một số sản phẩm cá được hưởng thuế suất 0% ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực.